top of page
  • Ảnh của tác giảOrganat

NGÀY CUỐI THẬP NIÊN ĐI TÌM VỊ CÀ PHÊ DI LINH.

Đã cập nhật: 19 thg 1, 2020


Chiều cuối năm 2019, khi bầu trời chập choạng chuyển sẩm tối, chúng tôi - những anh em trong HTX Phúc An Lâm Đồng từ Bảo Lộc hướng thẳng về Di Linh. Con đường quốc lộ 20 chia đôi hai bờ thung lũng, một bên là đèn điện phố thị một bên là ánh lửa lập lòe những căn chòi nhỏ giữa rẫy, sương đêm rơi xuống đẩy cái không khí lành lạnh tăng lên.


Chú Vinh – Người nông dân ham học.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại nhà chú Vinh. Đón mấy đứa cháu bằng sự nồng hậu, giản dị một người đã lâu gắn bó với nương rẫy, chú nở nụ cười tựa ánh lửa ấm áp sưởi lòng chúng tôi giữa mùa đông giá rét này.

Chú Trịnh Tấn Vinh, chủ sở hữu của thương hiệu cà phê Thuần Trịnh mà nguyên liệu là những hạt cà phê chất lượng cao được canh tác theo quy trình hữu cơ. Với chú, khi bắt đầu chuyển dần sang canh tác hữu cơ, vườn cà phê của gia đình đã trải qua hành trình hơn 10 năm từ 2008 đến nay (2020). Điểm nhấn suốt khoảng thời gian ấy là câu chuyện chú dành thời gian kiên trì 5 năm theo đuổi khóa học EDE consulting – được thiết kế dành cho người nông dân với 3 chương trình chính bao gồm: Kỹ năng kinh doanh cơ bản cho người trồng cà phê; luật Hợp tác xã kiểu mới và Phát triển cộng đồng.



Chú tự định nghĩa mình là người nông dân ham học, thật vậy nếu có một lần được nghe kể về câu chuyện này có lẽ bạn không khỏi thán phục. Chú thích viết và có nhiều bài chia sẻ về ngành sản xuất cà phê lên trang cá nhân đồng thời trên website thuantrinhcafe.com và chú chính là tác giả bài tham luận Hiệu quả trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cà phê ở Kỉ yếu Hội thảo khoa học của Bộ NN&PT NT 2017. Những chia sẻ của chú luôn mang sự lôi cuốn kì diệu, chú vẫn nói “khi mà đụng đến chuyên môn thì có thể nói thâu đêm không biết mệt”. Cùng với sự xuất hiện của bác Quỳnh, những con người dành trọn tâm huyết cho ngành nông nghiệp chất lượng cao say xưa bên tách trà và những mẫu cà phê sống (hay green bean tuỳ cách gọi) cho đến tận nửa đêm.


Bác Quỳnh – Người làm kinh doanh tử tế.

Vốn là Tiến sĩ nông học tại đại học Hohenheim, Đức, trở về nước năm 1985; bác Quỳnh nổi bật ở quy trình làm biogas tại đồng bằng Sông Cửu Long. Tính đến thời điểm hiện tại, bác Đỗ Ngọc Quỳnh đã gắn bó với mảnh đất Di Linh này được trên dưới 20 năm. Bác tự định vị mình là người kinh doanh tử tế, cũng làm cà phê chất lượng cao với điểm nổi bật là thương hiệu cà phê Dr. Quỳnh. Sơ chế theo phương pháp mật ong (honey coffee) cùng với canh tác hữu cơ trở nên những điểm mấu chốt của phân khúc cà phê mà bác Quỳnh cũng như chú Vinh đã làm.



Anh em chúng tôi ghé thăm trang trại của bác Quỳnh khi mặt trời vừa mới lên, những mảnh sương còn kịp phủ đặc trên con đường quốc lộ và khắp nông trang. Bác Quỳnh lý giải cho câu hỏi vì sao sương to với giải đáp là hai bên đường có hai con suối lớn, hơi nước bốc lên nhiều cho nên sương mới dày như vậy. Giữa không gian tĩnh tại trong nông trại của bác, chúng tôi ngắm nhìn những con cún hiếu kì, thưởng lãm những nhành hoa và hơn cả là thưởng thức những ly cà phê tuyệt hảo được làm từ tay của chú Vinh và bác Quỳnh. Cà phê ngon đến nỗi chúng tôi chẳng chừa lại giọt nào. Chúng tôi tâm đắc dặn nhau: "khung cảnh tuyệt vời như thế này làm gì có thể kiếm ở đâu được". Giữa đời sống làm nông, tận hưởng sự trong trẻo và thư thái, nhấm nháp vị cà phê từ chính tay mình trồng và sản xuất. Sự tuyệt diệu ấy – vô giá.


Chú Khanh, cô Hải – Những sứ giả chất phác của ngành nông.

Bác Quỳnh có chú Khanh và cô Hiền cộng tác với mình trong công việc, cô chú và chú Vinh đều gọi bác Quỳnh bằng một chữ thân thương: “Thầy”. Tình cảm gắn bó của các cô, các chú bác ở mảnh đất này khiến chúng tôi dễ rung cảm và thấy hạnh phúc vì được ngắm nhìn rồi chiêm nghiệm.

Trên môi chú Khanh, cô Hải không thiếu những nụ cười. Ngoại trừ anh Nghiêm đã làm việc lâu với cô chú, hai anh em tôi (người viết và photographer) dù chỉ là người mới gặp nhưng cô chú vẫn chia sẻ thật tình những câu chuyện làm nông. Như đồng điệu với mong muốn của nhiều người nông dân khác, cô chú luôn mong muốn nông sản mình làm ra được trân trọng hơn và mang giá trị kinh tế cao hơn. Chúng tôi cũng vậy, ao ước nhìn thấy sự đủ đầy và hạnh phúc nơi người nông dân.

Rời Di Linh ngay trước giờ trưa với câu hỏi của anh Nghiêm: “Các bạn có quên gì không?”. Riêng tôi tự trả lời: em chẳng quên gì cả, chỉ tiếc lịch trình quá gấp rút nên chưa thể ghé thăm vườn cà phê nhà chú Vinh và những tình cảm thân thương không đem hết về được mà thôi.


ORGANAT™ là sản phẩm của HTX NN&DV Phúc An Lâm Đồng

ORGANAT™ – Gieo mầm tin yêu


Written by: thanhsangfafin

Photos by: Adam Phan

75 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page